Du lịch Cửa Lò - Làng Hoàng Trù hay còn được gọi làng Chùa thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đây là quê ngoại của Bác, nơi Bác đã được sinh ra, sống và gắn bó 5 năm đầu tiên của tuổi ấu thơ. Di tích Hoàng Trù – quê ngoại Bác có 3 ngôi nhà, nằm trong một khuôn viên khá rộng, với diện tích khoảng 7 sào Trung Bộ tương đương với 3500 mét vuông. Nghe kể chuyện Bác tại Làng Hoàng Trù quê mẹ

Ngôi nhà ngói duy nhất để vào viếng hoa là nhà thờ chi nhánh dòng họ Hoàng Xuân, họ ngoại của Bác. Theo gia phả để lại, dòng họ Hoàng Xuân không có nguồn gốc từ xứ Nghệ mà có nguồn gốc từ một tỉnh miền Bắc. Đó là làng Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Cụ Hoàng Đường – ông ngoại Bác Hồ thuộc đời thứ 15 của dòng họ. Ngôi nhà thờ tổ này được xây dựng vào năm 1881, chỉ được làm bằng phên, chưa lợp lá tranh. Năm 1930, khi đời sống của bà con trong dòng họ sung túc lên, người có công người có của mới xây lại khang trang như bây giờ.

Nghe kể chuyện Bác tại Làng Hoàng Trù quê mẹ

Ngôi nhà thứ hai là một ngôi nhà tranh 5 gian khá rộng. Đây là nhà của ông bà ngoại Bác Hồ. Đến đây thăm, nhìn vào những hiện vật trong ngôi nhà ta sẽ đoán được là ngày đó gia đình ông bà ngoại Bác là một gia đình nhà nho khá giả. Ông ngoại Bác – cụ Hoàng Xuân Đường vốn là một con người đức độ, là thầy đồ uyên thâm về Hán học. Bà ngoại Bác tên là Nguyễn Thị Kép, bà làm ruộng, trồng rau, nuôi tằm và dệt vải. Hai ông bà đã sống rất đầm ấm, hạnh phúc và sinh được hai cô con gái đẹp người, đẹp nết. Người con gái đầu lòng, đó là cô Hoàng Thị Loan sinh 1868, sau này chính là mẹ Bác. Và người con thứ hai là cô Hoàng Thị An sinh năm 1877, sau là dì của Bác Hồ. Nhà ông bà ngoại của Bác Hồ chỉ có hai cô con gái, nhưng về sau ngôi nhà tranh 5 gian khá rộng này lại đón và nuôi thêm một cậu học trò nghèo mồ côi nữa tên là Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Bác Hồ vĩ đại của chúng ta. Câu chuyện được bà con Hoàng Trù truyền nhau kể lại, ông Nguyễn Sinh Sắc vốn được sinh ra ở làng Sen quê nội cách Hoàng Trù chừng khoảng 2 cây số, nhưng sớm gặp hoàn cảnh éo le. Lên 3 tuổi, ông đã mồ côi cha, 4 tuổi mồ côi cả mẹ nữa. Ngày đó, ông đã ở cùng với anh trai cùng cha khác mẹ của mình là Nguyễn Sinh Thuyết. Nhà nghèo không được đến trường, nên mỗi lần chăn trâu cắt cỏ, ông thường lấy sách ra để đọc.

Nghe kể chuyện Bác tại Làng Hoàng Trù quê mẹ

Cụ Hoàng Xuân Đường thường đi lại thăm bà con bên ngoại ở Làng Sen. Những lần đến Làng Sen, thấy một chú bé ngồi trên lưng trâu chăm chú đọc sách, vốn là một thầy đồ quý mến trò, cụ rất có cảm tình với chú bé hiếu học ấy. Hỏi tên tuổi và hoàn cảnh thì biết được cậu bé là Nguyễn Sinh Sắc con của cụ Nguyễn Sinh Nhậm và cụ Hà Thị Hy, thông minh, ham học nhưng do điều kiện, hoàn cảnh gia đình nên không được đến trường. Vốn là người giàu lòng nhân ái, thương cảm cảnh ngộ đó, cụ Hoàng Đường đã bàn với vợ xin đón cậu bé về nhà mình nuôi ăn học. Nguyễn Sinh Sắc được sống trong tình thương yêu và sự dạy dỗ của gia đình cụ Hoàng Đường. Đây chính là bước ngoặt trong cuộc đời của Nguyễn Sinh Sắc. Nhờ sự chăm sóc, dạy dỗ của Cụ Hoàng Xuân Đường, cậu bé Nguyễn Sinh Sắc học tập tiến bộ rất nhanh, càng ngày càng bộc lộ rõ thiên tư, hứa hẹn một tương lai tươi sáng trên con đường cử nghiệp.

Nghe kể chuyện Bác tại Làng Hoàng Trù quê mẹ

Sau này cảm mến vì đức vì tài, cụ Hoàng Xuân Đường đã gả con gái đầu lòng, cô Hoàng Thị Loan, cho Nguyễn Sinh Sắc. Lễ cưới của hai người được tổ chức năm 1883, chính trong tại ngôi nhà tranh 5 gian này. Theo tục lệ ngày xưa, con gái lấy chồng không được ở chung nhà cùng bố mẹ. Nên sau lễ cưới, thương con thương rể không có nhà, không có đất, cụ Hoàng Đường quyết định cắt một mảnh vườn nhỏ rộng khoảng 1 sào 3 Trung Bộ tương đương với khoảng 600 mét vuông, để dựng ngôi nhà tranh 3 gian bé nhỏ phía bên kia vườn làm chỗ riêng cho hai con ăn ở. Điều này cũng cắt nghĩa tại sao anh chị em Bác Hồ được sinh ra tại quê ngoại Hoàng Trù chứ không phải quê nội Bác làng Sen, mặc dù hai quê ngoại nội chỉ nằm cách nhau 2 cây số thôi.

Từ khi Bác Hồ xa quê đến khi qua đời, Bác chỉ có một lần duy nhất trở về thăm mảnh đất này vào ngày 09/12/1961. Ngày đó, Bác Hồ đã là cụ già 71 tuổi rồi. Về thăm quê, vào thăm ngôi nhà của ông bà ngoại, Bác đã thắp nén hương thơm để tưởng nhớ các bậc tổ tiên, sau cùng Người mới dành thời gian để thăm lại ngôi nhà nhỏ 3 gian bé nhỏ phía bên kia vườn. Đó là ngôi nhà mà cách đây 129 năm, Bác đã cất tiếng khóc chào đời.

Nghe kể chuyện Bác tại Làng Hoàng Trù quê mẹ

Năm tháng sống tại Hoàng Trù, kinh tế phần lớn do một tay mẹ của Bác lo liệu. Mẹ Bác Hồ ngày làm ruộng, tối về lo cơm nước cho chồng con tại căn bếp nhỏ. Mẹ Bác thường ngồi vào một chiếc khung cửi dệt vải để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Mỗi lúc như vậy, vừa dệt vải, bà vừa đặt con vào một cánh võng, hát ru con bằng những làn điệu dân ca của những người dân xứ Nghệ.

Nhưng mà gia đình Bác Hồ chỉ sống và gắn bó tại Hoàng Trù có 5 năm. Khi Bác Hồ lên 5 tuổi, bố của Bác vào học ở trường Quốc Tử Giám Huế. Số tiền học bổng trường cấp quá ít ỏi, không đủ điều kiện để trang trải, ông đã về quê bàn với vợ đem theo các con đi cùng. Từ Nghệ An đi Huế, quãng đường dài hơn 400 cây số. Nhà Bác nghèo không có đủ điều kiện để thuê xe ngựa, cả gia đình đã đi bộ ròng rã gần một tháng trời mới tới được mảnh đất đế đô. Bác Hồ lúc ấy còn nhỏ nên được bố cõng và phần lớn là được mẹ Bác đặt vào một đầu quang gánh nhỏ để mang đi. Ta có thể hình dung ra được hình ảnh của mẹ Bác: chân bà đi một đôi dép nhỏ nhưng trên vai nặng trĩu một đôi quang gánh, một bên là con thơ, một bên là tất cả tài sản của gia đình. Bà cứ đi như vậy trong nắng trong mưa, mà không ai có thể ngờ rằng đó là lần ra đi vĩnh viễn, không có ngày để trở về của mẹ Bác.

Nghe kể chuyện Bác tại Làng Hoàng Trù quê mẹ

Tại Huế, năm 1900, mẹ Bác sinh thêm một người con nữa, đặt tên là Nguyễn Sinh Xin. Sinh con xong, mẹ Bác mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo, bệnh hậu sản. Sức khỏe của mẹ yếu dần. Trưa ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý tức ngày 10/2/1901, thì mẹ Bác đã chút hơi thở cuối cùng. Em của Bác vì quá khát sữa mẹ, hơn 2 tháng sau cũng qua đời.

Bố của Bác biết được tin ấy, lập tức trở vào Huế. Biết rằng không thể sống mãi với cảnh gà trông nuôi con tại mảnh đất đế đô, ông đã đưa các con về lại quê hương xứ Nghệ để nương tựa bà ngoại. Khi 11 tuổi, một lần nữa Bác đi bộ trở về quê. Nhưng lần đi này, Bác đi trong nỗi đau xé lòng vì mẹ và em trai mới mất. Hai tiếng quê hương ngày ấy chính là nỗi niềm mong đợi da diết của cả gia đình. Đề rồi khi về quê hương, chính bà ngoại là người đã dang rộng cánh tay ôm con cháu vào lòng. Biết rằng sớm hôm bên cháu sẽ làm vơi đi nỗi đau mất con của cụ, và kỳ thi Hội lần thứ ba năm 1901 cũng đã đến, gửi con cho bà ngoại, bố của Bác đã quyết định vào Huế dự thi lần thứ ba. Lần thi này ông đã đỗ cao tới học vị Phó bảng. Theo tục lệ ngày xưa, đỗ đạt cao rồi thì không ở quê vợ nữa mà vinh quy bái tổ về làng. Gia đình Bác mới tạm biệt mảnh đất Hoàng Trù đầy ân nghĩa này.

Nghe kể chuyện Bác tại Làng Hoàng Trù quê mẹ

Bác trở về sống tại làng Sen quê nội từ năm 11 tuổi đến năm 16 tuổi. Hai năm sau Bác cũng theo cha vào Huế lần thứ hai. Lần này, Bác đi mãi và bôn ba tìm đường cứu nước đến 50 năm sau, khi đã là một cụ già 71 tuổi. 

Đây là câu chuyện mà bất cứ người con nào khi về thăm quê ngoại đều được nghe cô thuyết minh kể. Nếu có dịp đến Nghệ An, bạn nhất định phải đến thăm nơi này nhé!

Tin tức tiêu biểu
Top