Giống như biết bao làng quê khác của Việt Nam cách đây hơn một thế kỷ, làng Hoàng Trù hiện lên với những hình ảnh thân thuộc như cây đa, bến nước, những hàng dâm bụt cùng lũy tre xanh ngắt…Tại đây có hai ngôi nhà chính. Ngôi nhà lớn 5 gian là nhà của ông bà ngoại Bác, đây là nơi cha mẹ của Bác sinh sống cho đến khi hai người thành vợ chồng rồi ra ở riêng. 3 gian làm địa điểm dạy học và tiếp khách
Ngôi nhà 5 gian của cụ Hoàng Đường - nhà ngoại của Bác
Cách nhà ông bà ngoại Bác không xa ở phía tây là ngôi nhà thứ 2, nhà của cha mẹ Bác, do cụ Hoàng Đường cắt đất cho con rể chính là cụ Nguyễn Sinh Sắc. Điều này đã giải thích tại sao Bác được sinh ra tại quê ngoại chứ không phải quê nội. Ngày 19 tháng 5 năm 1890, cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời trong ngôi nhà đơn sơ, mộc mạc. Những năm tháng đầu đời, Bác đã sống trong tình yêu thương che chở của ông bà ngoại và cha mẹ, bồi đắp tâm hồn và nhân cách của Người.
Chiếc giường nhỏ đơn sơ bằng gỗ xoan, thang tre, liếp nứa, chiếu mộc.
Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ của cha mẹ Bác, hiện nay vẫn còn cánh võng đưa nôi, chiếc khung cửi mà mẹ Bác ngày xưa vẫn ngồi dệt vải để chồng lo việc học hành, cái tủ gỗ - món quà của ông bà ngoại tặng mẹ Bác khi về nhà chồng.... Mỗi vật dụng đều ẩn chứa những câu chuyện về tấm lòng cao thượng của người cha, tình yêu thương của người mẹ, và là những bài học làm người sâu sắc, nhân văn.
Đằng sau ngôi nhà của ông bà ngoại Bác là nhà thờ tổ của tộc Hoàng Xuân, dùng làm nơi thờ cúng tổ tiên. Sau này được bà con tại làng xây dựng lại bằng tường gạch mái ngói trông kiên cố hơn.
Nhà thờ họ Hoàng Xuân - họ ngoại của Bác Hồ
Có thể nói, nếu quê nội Làng Sen của Bác là nơi gắn bó với bác một quãng đời tuổi thơ, thì quê ngoại Làng Hoàng Trù lại là cái nôi đầu đời, vun đắp lên những nhận thức đầu tiên của Bác, là bầu sữa ngọt lành tạo nên tâm hồn trong sáng của Bác từ thuở bé thơ. Do đó, trong chuyến du lịch Nghệ An, hãy ghé thăm làng Hoàng Trù bạn nhé!